Nhận định Dương_Tam_Kha

Sử gia Lê Văn Hưu viết trong Đại Việt Sử ký Toàn thư:

Đuổi con vua để tự lập làm vua, đó là tội lớn đối với nước, còn như việc nhận con của vua làm con nuôi của mình và ban cho cả thực ấp nữa, thì đấy chỉ là ơn riêng đối với một nhà. Dương Tam Kha dám đuổi Ngô Xương Ngập để tranh đoạt ngôi vua, đó là bề tôi phản nghịch, theo nghĩa thì quyết không thể tha tội chết. Vậy mà, Hậu Ngô Vương [chỉ Ngô Xương Văn, em của Ngô Xương Ngập] không trị tội, còn ban ơn riêng để nuôi dưỡng chứ không nỡ gia hình, lại ban cho cả thực ấp nữa, thế thì há chẳng phải là lầm to rồi hay sao?

Nhận xét của Lê Văn Hưu chưa hoàn toàn thỏa đáng. Dương Tam Kha không noi gương Chu Công Đán phò tá Chu Thành vương mà làm việc của Vương Mãng, đúng là đáng chê trách. Nhưng việc Ngô Xương Văn tha ông không giết là nhân từ, không phải là sai lầm. Bởi lẽ sau này khi là Chương Dương công, ông không gây "hậu họa" gì cho nhà Ngô nữa. Đó là cái tình cậu cháu trong nhà đã trọn vẹn và không để xảy ra cảnh máu chảy đầu rơi.

Qua việc ông nhận Xương Văn làm con (để nhường ngôi) và việc ông gả con gái cho Đinh Bộ Lĩnh chứng tỏ Dương Tam Kha có con mắt tinh đời.

Đành rằng, có thể tại Xương Văn là cháu ruột ông (do bà Dương hậu sinh ra - xem thêm bài Ngô Xương Ngập), nhưng xem cách hành xử của anh em Xương Ngập và Xương Văn lúc ngồi chung ngai vàng thì thấy đạo đức và tài năng của người anh kém xa người em. Rất có thể Dương Tam Kha đã nhận thấy người cháu lớn không đủ phẩm chất xứng đáng để ngồi ngai vàng nên ông đã giành ngôi và việc truy bức Xương Ngập để "trừ hậu hoạ" vì ông lường trước việc Xương Ngập khó lòng để ông sống nếu một mình được thống soái trên ngai vàng. Việc ông không chọn một người trong họ Dương, dù là họ xa, làm con mà vẫn lấy Xương Văn làm con càng chứng tỏ Dương Tam Kha vẫn có ý định trả ngôi về cho họ Ngô chứ không nhất quyết giữ ngôi cho họ Dương. Ngô Xương Xí sau này còn về quê hương ông để lập căn cứ thời 12 sứ quân. Nếu ông muốn chiếm ngôi cho họ Dương, nhiều khả năng cả Xương Văn, Nam Hưng, Càn Hưng, Nhật Khánh đều đã bị thanh trừng. Có lẽ đây là một lý do khiến các sử gia gộp thời đại ông trị vì nằm trong "Kỷ nhà Ngô" mà không tách riêng như Đại Việt Sử ký Toàn thư đã làm với nhà Tiền Lý khi tách 3 vua: Tiền Lý Nam Đế, Triệu Việt VươngHậu Lý Nam Đế làm 3 "kỷ" riêng.

Còn đối với trường hợp gả Dương Vân Nga cho Đinh Bộ Lĩnh, đành rằng ông có thiện cảm với người đã từng chống được anh em họ Ngô (năm 951, xem bài Đinh Bộ Lĩnh, Đinh Liễn) nhưng trong lúc loạn 12 sứ quân mới bùng phát và chưa rõ cục diện, ông đã sáng suốt nhìn ra người có thể cứu vãn đại cục và việc tác động chiêu hàng họ Ngô (Xương Xí) của ông đã góp phần sớm chấm dứt mối loạn lạc chia năm xẻ bảy ở Việt Nam, có thể làm mồi cho Trung Hoa đang trên đà thống nhất trở lại dưới tay nhà Tống.